LUẬT TRẦN BROS

UY TÍN- TIN CẬY- THÀNH CÔNG

Chốt mức tăng 5,3% lương tối thiểu vùng 2019

Sáng ngày  13-8, tại Trung tâm dịch vụ Bưu điện Đồ Sơn (TP Hải Phòng), Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 (phiên thứ 3). Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), chủ trì phiên họp.

Kết thúc phiên họp, 15/15 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” mức lương tối thiểu năm 2019 sẽ tăng 5,3%. Kết quả này sẽ được trình Chính phủ để Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cụ thể, theo phương án tăng lương 5,3% so với năm 2018, mức lương tối thiểu vùng năm 2019, vùng 1 là 4.180.000 đồng, tăng 200.000 đồng; vùng 2 là 3.710.000 đồng, tăng 180.000 đồng; vùng 3 là 3.250.000 đồng, tăng 160.000 đồng; vùng 4 là 2.920.000 đồng, tăng 160.000 đồng.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, tại phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam vẫn giữ nguyên mức tăng đề xuất tại phiên họp lần thứ nhất là 8,0% (tăng từ 220 – 330 ngàn đồng tùy từng vùng).

“Nguyên nhân mà Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn đề xuất 8% vì do trượt giá, tuy nhiên đại diện người sử dụng lao động (VCCI) đề nghị tăng 2%, so với phiên thứ nhất là đề xuất không tăng. Mức đề xuất 2% này vẫn còn rất chênh lệch so với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam.”- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho hay.

Tại phiên họp thứ 2, vào tháng 7 vừa qua, vấn đề quan trọng được các bên tranh cãi là về cách xác định mức sống tối thiểu làm căn cứ tính mức lương tối thiểu (LTT) năm 2019. Trong bối cảnh lộ trình LTT đáp ứng mức sống tối thiểu đã được xác định (năm 2020) thì việc xác định “mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ” là vấn đề hết sức quan trọng, chi phối trực tiếp đến việc đề xuất mức LTT vùng năm 2019. Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ phận Kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia cơ bản thống nhất sử dụng phương pháp và các căn cứ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Tại phiên họp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ phận Kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia cơ bản thống nhất sử dụng phương pháp và các căn cứ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Sự khác biệt về mức sống tối thiểu do hai bên tính toán chủ yếu do sự lựa chọn khác nhau về tỉ lệ giữa chi phí lương thực, thực phẩm với chi phí phi lương thực, thực phẩm.

Theo đó, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm 52% ); còn Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm là 55%).

Bên cạnh đó, một điều Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng hết sức băn khoăn là mức sống tối thiểu của NLĐ do Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán năm nay thấp hơn nhiều so với số liệu của chính Bộ phận kỹ thuật đưa ra năm 2017…

Tại phiên họp thứ 3 này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức lương tối thiểu năm 2019 tăng 5,5%, trong khi đó VCCI đề xuất tăng 5,3%.

Sau phần thảo luận, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu chốt mức lương tối thiểu năm 2019. 100% Hội đồng tiền lương Quốc gia đồng ý với phương án tăng mức lương tối thiểu 5,3%.

Nguồn: Báo Người lao động

 Thống kê truy cập
  • 0
  • 0
  • 705 number_format_thousands_sep827