Kết thúc phiên tòa xét xử “đại án” Vinalines: Tuyên 2 án tử hình
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng sau khi kết thúc phiên tòa
Các bị cáo không oan
Cá thể hóa hình phạt đối với từng bị cáo, HĐXX cho rằng với tất cả các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo, người liên quan, nhân chứng và tranh luận tại phiên tòa cho thấy có đủ cơ sở để quy kết cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines cùng đồng phạm đã phạm vào các tội danh như cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố. Tòa xác định, Dương Chí Dũng giữ vai trò chủ mưu, Mai Văn Phúc giữ vai trò cầm đầu, tổ chức trong toàn bộ tội phạm và đã hưởng lợi cá nhân số tiền đặc biệt lớn. Các bị cáo còn lại giữ vai trò giúp sức và cùng nhau thực hành tội phạm ở những giai đoạn, hành vi khác nhau. Tuy các bị cáo không bàn bạc, thống nhất nhưng đã tiếp nhận ý chí từ những việc làm trái pháp luật của nhau.
Trước đó, nhìn nhận về vụ án tòa cho rằng mặc dù biết rõ dự án Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam chưa được đưa vào quy hoạch, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng Dương Chí Dũng vẫn bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bất chấp quy định pháp luật để ký ban hành nghị quyết của HĐQT giao cho Mai Văn Phúc triển khai đầu tư dự án. Trên cơ sở này, với cương vị TGĐ – Mai Văn Phúc tiếp tục ra quyết định thành lập Ban QLDA, đồng thời lập tờ trình để Dương Chí Dũng ký phê duyệt dự án. Về nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là tiền mua ụ nổi, tòa xác định dù Vinalines ban đầu dùng vốn vay, nhưng sau đó lại quyết toán bằng tiền ngân sách.
Trong quá trình triển khai dự án, Mai Văn Phúc lần lượt đề nghị Dương Chí Dũng ra quyết định chấp thuận cho mua ụ nổi 83M của Công ty Nakhodka (Liên bang Nga) thông qua Công ty AP của Singapore với giá 9 triệu USD. Bị cáo Phúc cũng là người ký quyết định thành lập đoàn khảo sát do Trần Hữu Chiều phụ trách sang Nga thẩm tra, xem xét ụ nổi, rồi về làm báo cáo và đề xuất. Quá trình khảo sát, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang và Lê Văn Dương biết rõ ụ nổi bị hư hỏng, sản xuất từ 1965 và đã bị Nga không cho hoạt động, nhưng vẫn nghe theo chỉ đạo của Mai Văn Phúc làm báo cáo sai sự thật.
Với căn cứ ấy, TGĐ Vinalines có tờ trình và được Dương Chí Dũng chấp thuận cho mua ụ nổi với tổng mức đầu tư 19.500.000 USD. Và thực tế là ngày 15-3-2008, Mai Văn Phúc đại diện Vinalines ký, rồi thực hiện Hợp đồng số 01-07/VNL-AP mua ụ nổi 83M với Công ty AP, trong đó giá mua ụ nổi là 9 triệu USD. Những việc làm này của Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã vi phạm vào Nghị định 16/2005/NĐ-CP, Nghị định 112/2006/NĐ-CP, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4805/VPCP-CN, Luật đầu tư và Nghị định 49/2006/NĐ-CP. Đây là hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước chứ không phải thiếu trách nhiệm như lời bào chữa của một số luật sư. Việc làm đó của Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Xe đưa các bị cáo trở về trại giam
Chưa nhận thức được hành vi phạm tội
Đối với Bùi Thị Bích Loan được Vinalines giao giữ chức Trưởng ban Tài chính – kế toán, song đã không thực hiện đúng và đầy đủ chức trách của mình. Bị cáo đã ký ủy nhiệm chi khoản tiền ký quỹ 900.000USD với Công ty AP. Sau đó dù biết rõ không đủ chứng từ, tài liệu trong hồ sơ thanh toán và nhận thức được Mai Văn Phúc chỉ đạo chi 8,1 triệu USD trái pháp luật, nhưng vẫn lập các thủ tục giải ngân. Theo quy định của pháp luật lẽ ra bị cáo phải có biện pháp ngăn chặn và báo cáo bằng văn bản lên HĐQT, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, nhưng Loan đã không thực hiện. Do đó, Bùi Thị Bích Loan đã vi phạm Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn. Lê Văn Dương dù biết rõ ụ nổi với nghĩa là tàu biển không đạt tiêu chuẩn về an toàn hàng hải, vệ sinh môi trường, nhưng vẫn làm báo cáo sai sự thật. Quá trình điều tra, bị cáo khẳng định “nếu làm đúng vì Vinalines không thể mua được ụ nổi”. Còn đối với nhóm bị cáo cán bộ Hải quan Vân Phong, theo quy định của pháp luật khi tiếp nhận hồ sơ khai báo hải quan về ụ nổi là con tàu và trên toàn bộ hồ sơ đều thể hiện là tàu biển thì phải áp dụng Nghị định 49/2006/NĐ-CP và các văn bản liên quan để kiểm tra hàng hóa, nhưng lại không tuân thủ. Ở giai đoạn điều tra, các bị cáo khai biết rõ hàng hóa là tàu và phải áp dụng quy chế về tàu biển, song cố tình không thực hiện. Nếu các bị cáo không cho ụ nổi thông quan thì chắc chắn Vinalines sẽ không thể thanh quyết toán, thiệt hại không xảy ra. Ra tòa “phản cung”, điều này cho thấy các bị cáo quanh co và không nhận thức được hành vi trái pháp luật của mình.
Về hành vi tham ô hơn 28 tỷ đồng của cựu Chỉ tịch HĐQT Vinalines và đồng phạm, căn cứ vào các tài liệu có đủ cơ sở khẳng định 1.666.000 USD mà Công ty AP chuyển cho Công ty TNHH Phú Hà là tài sản của Vinalines. Bởi theo hợp đồng “chia chác” 9 triệu USD mua bán ụ nổi giữa Công ty AP với một công ty môi giới của Nga và bên thứ ba (ngày 7-7-2007) được thu thập bằng biện pháp tương trợ tư pháp và lời khai của Trần Hải Sơn cùng các nhân chứng, hoàn toàn có đủ cơ sở để xác định Dương Chí Dũng đã nhận tiền “lại quả” 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc nhận 10 tỷ đồng, Trần Hữu Chiều hưởng 340 triệu đồng. Số tiền còn lại, Trần Hải Sơn cho em gái 2 tỷ và chiếm hưởng hết. Đánh giá về lời khai của Trần Hải Sơn trong hành vi tham ô, tòa cho rằng bị cáo thành khẩn, khai báo tường tận địa điểm, thời gian, không gian về các lần giao tiền “lại quả” cho đồng phạm. Lời khai này phù hợp với lời khai nhân chứng, lời khai của giám đốc Công ty TNHH Phú Hà về lý do nhận tiền từ Công ty AP. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều không thừa nhận với mục đích trốn tránh trách nhiệm.
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án, tòa tuyên bố tịch thu và hoàn trả cho Vinalines toàn bộ số tiền do các bị cáo, gia đình bị cáo và người liên quan đã tự nguyện giao nộp. Về 3 căn nhà của Dương Chí Dũng, trong đó hai căn mang tên “bồ nhí” ông ta (tại tòa nhà Skycity, phố Láng Hạ và tòa nhà Pacific, phố Lý Thường Kiệt), theo lời khai của chủ nhân đều do Dương Chí Dũng bỏ tiền ra mua. Riêng căn nhà ở phố Nguyên Hồng, mặc dù được hình thành từ trước đây do công sức cả hai vợ chồng Dương Chí Dũng, nhưng để bảo đảm thi hành án, tòa quyết định tiếp tục kê biên. Tương tự, căn nhà của vợ chồng Mai Văn Phúc ở Quảng Ninh cũng bị kê biên để thi hành án.
– Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines: Tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tổng hợp hình phạt là tử hình. Buộc trả lại số tiền đã tham ô 10 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại cho Vinalines 100 tỷ đồng.
– Mai Văn Phúc, cựu TGĐ Vinalines: Tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tổng hợp hình phạt là tử hình. Buộc trả lại số tiền đã tham ô 10 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại cho Vinalines 100 tỷ đồng.
– Trần Hải Sơn, nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, kiêm phó trưởng ban QLDA Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam: 14 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tổng hợp hình phạt là 22 năm tù. Buộc bồi thường cho Vinalines hơn 46 tỷ đồng.
– Trần Hữu Chiều, nguyên Phó TGĐ Vinalines, kiêm trưởng ban QLDA Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam: tổng cộng 19 năm tù về cả hai tội danh. Buộc bồi thường cho Vinalines hơn 39 tỷ đồng.
– Ở nhóm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines bị tuyên phạt 4 năm tù; buộc bồi thường cho Vinalines 6 tỷ đồng; Mai Văn Khang, cựu Phó TGĐ Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinalines bị tuyên phạt 7 năm tù; buộc bồi thường cho Vinalines 12 tỷ đồng; Lê Văn Dương, cựu Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam 7 năm tù; buộc bồi thường cho Vinalines hơn 15 tỷ đồng. 3 cựu cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa gồm Huỳnh Hữu Đức, Phó Chi cục trưởng, Lê Văn Lừng, cán bộ và Lê Ngọc Triện, Đội trưởng Đội nghiệp vụ cùng bị tuyên phạt 8 năm tù giam; mỗi bị cáo phải bồi thường cho Vinalines 9 tỷ đồng.
– Thời gian công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo chiếm gần hết một buổi sáng trong ngày đầu xét xử.
– HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã phải cần tới 3 tiếng đồng hồ để hai thẩm phán thay nhau công bố liên tục bản án kết tội các bị cáo.
Bộ GTVT là cơ quan quản lý Vinalines và được Chính phủ giao cho cập nhật dự án Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam vào quy hoạch các cơ sở công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nhưng đã không cập nhật kịp thời, mặt khác đã buông lỏng quản lý, giám sát Vinalines trong thời gian dài, khiến sai phạm xảy ra. Vì thế tòa kiến nghị CQĐT – Bộ Công an tiếp tục điều tra, xác minh và nếu phát hiện ra vi phạm thì tiếp tục xử lý theo pháp luật.
Đối với Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội, tòa kiến nghị CQĐT tiếp tục xem xét nếu có sai phạm thì xử lý bằng hình sự. Bởi bước đầu cho thấy, mặc dù hồ sơ giải ngân của Vinalines không đầy đủ (thiếu chữ ký của kế toán trưởng, hồ sơ mua ụ nổi do Công ty AP gửi thiếu cơ sở pháp lý), nhưng vẫn cho công ty nước ngoài rút tiền.
Đối với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Tòa cũng kiến nghị xem xét và kiểm điểm trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan.
Nguồn tin: ” Báo an ninh thủ đô”.